Thức ăn của Phi hành gia ở vũ trụ như thế nào?

“Có thực mới vực được đạo”, và vấn đề đầu tiên cần tính đến khi đưa các nhà du hành ra vũ trụ trong thời gian dài là sẽ cho họ ăn gì để đảm bảo thể lực cũng như sự minh mẫn, tinh thần để các nhà du hành đủ sức đối mặt với công việc hết sức nguy hiểm và căng thẳng ngoài không gian?

Vì trong môi trường không trọng lực mọi vật sẽ trôi nổi không cố định vì vậy bạn có thể quên ý tưởng mang… gạo, nước dầu mỡ lên trạm không gian đun nấu như dưới mặt đất. Các nhà du hành của chúng ta sẽ phải chịu ăn đồ nấu sẵn trong suốt thời gian làm việc trên vũ trụ. Thời gian đầu của kỷ nguyên vũ trụ, thức ăn cho các nhà du hành thực sự rất tệ. Các nguồn dinh dưỡng như đạm, bột đường được cung cấp qua những “viên dinh dưỡng” khô khốc, to bằng khoảng 3 ngón tay, giống như 1 miếng lương khô và mỗi lần ăn các phi hành gia phải … thồn cả miếng 1 vào miệng chứ không được cắn từng miếng nhỏ vì nếu cắn vỡ viên lương khô đó ra thì các mảnh vụn và bột sẽ bay ra lung tung và kẹt vào các thiết bị điện tử trên trạm, gây hỏng hóc.

Bên cạnh đó còn những tuýp dinh dưỡng giống như những tuýp kem đánh răng sử dụng để bổ sung vitamin và giúp đồ ăn khô “dễ nuốt” hơn. Bên cạnh đó việc đồ ăn đều được chế biến sẵn và ở trong trạng thái rất khô nên khi vào dạ dày thức ăn sẽ trở nên rất khó tiêu và có hại cho dạ dày. Thêm nữa các nhà du hành sống trong điều kiện không trọng lực còn chịu ảnh hưởng của hiện tượng sung huyết: khi ở trên trái đất, để bơm máu đến não, tim phải tạo ra 1 áp suất thắng được áp suất do cột máu từ não dồn xuống tim khi chúng ta đứng thẳng. Tuy nhiên với các nhà du hành, tình trạng không trọng lực khiến áp lực của cột máu không còn nữa trong khi tim vẫn hoạt động như bình thường. Điều này dẫn tới lưu lượng máu và huyết áp của máu các nhà du hành ở não cao hơn bình thường. Hiện tượng này gọi là sung huyết và có thể gây ra cảm giác choáng váng, mất khả năng cảm nhận mùi, vị.

Chính vì thế thức ăn của các nhà du hành thường được chế biến rất đậm đà để thích hợp hơn với vị giác đã bị giảm sút. Thời gian về sau này chế độ ăn uống của các nhà du hành được cải thiện, bỏ đi những “tuýp kem” dinh dưỡng và những miếng lương khô vô vị mà thay vào đó là các thức ăn được sấy khô và bảo quản lạnh. Tuy nhiên rõ ràng là nếu bạn nghĩ rằng mình có thể có những bữa ăn thịnh soạn trên trạm vũ trụ thì xin bạn hãy nghĩ lại: Các phi hành gia là những người ăn uống rất kham khổ, ít nhất là trên vũ trụ.

Bên cạnh đó nước uống cũng là 1 vấn đề nan giải. 1 nhà du hành 1 ngày phải mất khoảng gần 2 lít nước để đảm bảo cơ thể hoạt động bình thường, đặc biệt là trong điều kiện thức ăn được sấy khô và đóng gói hoàn toàn khô thì việc uống thêm nước để đảm bảo việc tiêu hóa là điều không thể thiếu. Mỗi lít nước mang từ trái đất lên ISS sẽ tốn khoảng 11 ngàn USD (220 triệu đồng) và mỗi năm NASA mất tới 24 triệu USD chỉ để cung cấp nước cho ISS. Trong hoạt động sống thường ngày của chúng ta, nước thoát ra khỏi cơ thể qua nhiều đường. Ngoài được dễ thấy nhất là… nước tiểu, nước còn thoát ra qua mồ hôi, bốc hơi qua da và qua hơi thở (hãy thử đặt 1 tấm kính và hà hơi lên đó bạn sẽ thấy hơi nước đọng lại mờ trên mặt kính, mỗi lần chúng ta hít thở là 1 lượng nước lại theo hơi thở thoát ra ngoài và trở thành hơi ẩm trong không khí).

Rất may là không gian trên ISS hoàn toàn khép kín với bầu không khí được điều hòa bằng máy 100%. Chính yếu tố này khiến các khoa học gia Liên Xô đã đi đến ý tưởng cô đọng lượng hơi nước có trong không khí trên ISS để tái sinh 1 phần lượng nước. Tuy nhiên cách này chỉ tái sinh được khoảng 10% lượng nước mà 1 người thường sử dụng. Gần đây NASA còn đang đầu tư 1 dự án giúp lọc… nước thải của các nhà du hành để tái sinh tới 90% lượng nước cần dùng trên ISS. Điều đó có nghĩa là các phi hành gia sẽ “quay vòng” 1 vài lít nước trong rất lâu, đảm bảo tiết kiệm chi phí và hoạt động bình thường của trạm.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *