Nối mi, cấy mi để làm đẹp có nguy hại gì tới mắt?

Một cách làm dày và dài mi khá phổ biến hiện nay và rẻ tiền nhưng lại có tác dụng lâu dài – đó là nối mi. Đây là một phương pháp làm dài lông mi. Với cách làm này lông mi mới có thể “sống” được không? Có trường hợp dùng keo dán để nối mi nhất là đối với những loại keo rẻ tiền, chỉ khoảng 20.000-30.000đ/lọ, liệu có ảnh hưởng đến mắt không?

Đặc biệt hơn, một số trung tâm thẩm mỹ đưa ra dịch vụ phẫu thuật cấy mi, họ lấy các nang tóc từ phần sau của đầu là nơi tóc dầy và khoẻ nhất, cắt tỉa và chọn lọc lấy những sợi chân tóc thích hợp để cấy vào bờ mi. Các lông mi được cấy sẽ cần một thời gian khoảng 4 đến 5 tháng để phát triển ổn định. Khả năng này là có thực hay không, và mi sau khi được cấy từ nang tóc có “sống” được không? Hình thức phẫu thuật này có gây nguy hiểm gì cho mắt hay không? Tác hại tới mắt về lâu dài thế nào?

Trước hết phải nói về giải phẫu sinh lý và chức năng của lông mi. Lông mi có khỏang 2 đến 3 hàng, tổng số cả mi trên và mi dưới từ 80-120 chiếc. Tuy nhiên thẩm mĩ và chức năng của lông mi trên được coi trọng hơn. Không có lông mi thì trông hơi kỳ quặc, cộng với chức năng trời sinh của nó không thể thực hiện được như: chắn gió, bụi, ngăn cản mồ hôi, nước mưa khỏi lao thẳng vào mắt. Lông mi cũng như nang lông ở các vị trí khác trên cơ thể có cấu trúc sừng, không thấm nước. Mỗi nang lông có cơ vòng rất nhỏ bao quanh nhằm dựng lông đứng thẳng, chân lông mi có chất tiết nhiều lipid để bôi trơn lông mi, tránh thấm nước. Trong lòng lông mi còn có một vi mạch bé xíu để nuôi dưỡng lông mi. Lông mi mọc dài quá , rậm quá, sai hàng lối cũng gây bệnh cho mắt. Ngược lại lông mi thưa, rụng do nhiễm nấm, ký sinh trùng, do tia xạ hay bệnh tòan thân cũng là tình trạng bệnh lý. Vì vậy hãy để yên cho lông mi như trời đã sinh ra, đó là tuyệt vời nhất.

Rất thông cảm và chia sẻ với nhu cầu làm đẹp của chị em, nhưng hành hạ lông mi của mình để hy vọng nâng điểm cho nhan sắc thì lại là điều không nên. Có chăng nó chỉ giúp bạn từ 2 đến 5 điểm trên 100 điểm nhan sắc!? Nhìn các bạn trẻ dù mắt to hay bé, đẹp hay xấu nhưng hàng lông mi đen nhánh, tua tủa và nặng trịch làm tôi lo lắng cho đôi mắt của họ.

Dán lông mi như kinh điển trong những dịp biểu diễn, đám cưới, lễ hội thường không gây ra vấn đề gì lớn lắm cho mắt. Có chăng là bạn nên tẩy trang kỹ càng để các hóa chất, hạt bụi li ti khỏi chui vào mắt. Nối dài lông mi đó là cách tân kỳ hơn, có kết quả thẩm mỹ lâu dài hơn. Thế nhưng lo ngại của tôi là: keo dán lông mi đó có phải là keo sinh học không, nếu không chất keo sẽ giúp tích tụ bụi bẩn, giúp vi sinh vật gây bệnh phát triển, gây kích ứng cho mắt. Keo sinh học khá đắt tiền, có bản chất là fibrin , collagene, hystoacryl khó có cái giá 20 đến 30 ngàn đồng một lọ. Nếu các công đoạn nối mi hoặc các vật tư dùng cho việc này không đảm bảo có thể gây nhiễm độc nang lông, mất chất mỡ bóng của lông mi, gián đoạn tuần hòan lông mi. Hậu quả là sẽ gây rụng lông mi nhất thời hoặc vĩnh viễn. Bên cạnh đó bạn rất có thể nhiễm thêm các bệnh thường có trên bờ mi: viêm bờ mi do cầu khuẩn, ký sinh trùng, tắc và loạn chức năng các tuyến đổ ra bờ mi.

Cấy lông mi bằng phẫu thuật, một ứng dụng mới của phẫu thuật cấy tóc chữa hói hay rụng tóc nhưng hiệu quả làm tôi nghi ngờ bởi chúng ta đừng quên là lông có cấu trúc vi thể khác với tóc. Câu chuyện tiếu lâm làm chúng ta thấy ngay vấn đề: lông thân dẹt, vuốt nhọn và có thể xoăn còn tóc thì không như vậy? Nếu cấy vào bờ mi có thể lại cấy nhầm vào các lỗ ra của tuyến Mobeimius, gây tắc các lỗ tuyến này, thế là tiền mất tật mang.

Những thành tựu của các thẩm mỹ viện hay quảng cáo của các spa luôn cuốn hút, vì vậy hãy thận trọng.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *