Vì sao tia chớp có hình cành cây ?

Chớp mở đường tìm nơi có điện tích dương mà tới, nên tạo ra đường dích dắc hình cành cây.

Trong cơn dông mùa hè, bạn có thể thấy từ những đám mây đen lớn nằm sát chân trời, các tia chớp vạch thành đường ngoằn ngoèo chẽ nhành nom tựa cành cây dốc ngược phóng xuống đất. Không phải ngẫu nhiên mà tia chớp lại có hình dạng đặc biệt như vậy!

Phần đáy đám mây trong cơn mưa có mang điện tích âm, còn mặt đất do cảm ứng mà có điện tích dương. Sự phóng điện giữa hai vật thể khởi đầu bằng một chớp mang điện tích âm từ đáy đám mây phóng xuống mặt đất để mở đường. Chớp này được gọi là tia chớp mở đường.

Quá trình đi trước mở đường này thường không mấy khi được thuận lợi. Trước tiên nó phải đi vào vùng không gian điện tích dương phân bố hỗn loạn phía dưới gầm đám mây. Những điện tích dương này vốn là điện tích cảm ứng của mặt đất tập trung với mật độ khá cao trên các vật thể nhọn dưới mặt đất (như đỉnh tháp, ngọn cây), do tác dụng cùng dấu đẩy nhau mà đi vào lớp không khí hỗn loạn ở tầng thấp dưới đám mây.

Chớp mở đường luôn tìm đường đi tới những không gian điện tích dương ở kề bên cạnh. Nếu như cạnh nó có hai hoặc nhiều không gian điện tích dương thì tia chớp phải phân ra thành nhánh để đi.

Nói chung, chớp dẫn đường đi qua vùng không khí ẩm dễ dàng hơn là vùng không khí khô. Do trên đường đi, nó phải chọn đường ẩm, tránh đường khô nên để lại một vệt ngoằn ngoèo gấp khúc từ vùng điện tích dương tới không gian điện tích dương khác ở thấp hơn. Trên đường đi ấy nó vẫn tiếp tục phân nhánh tạo ra hình cành cây lộn ngược.

Đâu là chớp thật?

Tuy nhiên, chớp mở đường không tạo ánh sáng mạnh lắm. Khi đầu tia chớp kéo dài tới gần sát mặt đất thì điện tích dương tập trung ở đỉnh nhọn các vật thể dưới đất bị điện tích âm của chớp mở đường hút lên, tất cả điện tích dương ùa theo, đi ngược lại con đường mà chớp mở đường đã mở ra. Tại đấy, chúng trung hoà với các điện tích âm vốn có trên đường đi mà phát ra ánh sáng chói loà. Đây mới là ánh chớp chúng ta nhìn thấy. Do đi ngược lại con đường cũ mà chớp mở đường tạo ra nên nó cũng có dạng hình cành cây treo ngược. Tia chớp này được gọi là sét đánh ngược.

Khi chớp mở đường đánh tới mặt đất, tại nơi nó đánh vào thường có thể sinh ra chớp hình cầu mà ta thường gọi là sét hòn. Sét hòn là một quả cầu thể khí mang điện tích có đường kính từ 10-20 cm. Nó rất nhẹ, có thể bay lơ lửng theo gió, có thể tự hoá dẹt để lách qua khe cửa vào nhà, sau đó lại khôi phục hình dáng quả cầu lửa như cũ. Sét hòn thích di chuyển dọc theo dây điện, đường ống nước, luồng khí nóng… khi di chuyển nó luôn phát ra tiếng xì xì hoặc nổ lép bép. mằu sắc của sét hòn thường là đỏ, da cam, nhưng đôi khi còn mang màu trắng xanh hoặc tím đỏ.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *